Thứ sáu, ngày 29 tháng 3 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
    Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin điện tử xã Định Hòa, Huyện Yên Định như thế nào?
    161 người đã bình chọn
    106 người đang online

    LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG CÁCH MẠNG XÃ ĐỊNH HÒA

    100%

    Định Hòa vùng đất cổ nằm bên hai bờ sông Cầu Chày hiền hòa và thơ mộng. Một miền quê có bề dày về lịch sử, văn hóa và truyền thống cách mạng, xưa kia là vùng đất “Công thần ngoại thích”. Vì vậy, trong quá trình, các thế hệ tiếp nối nhau, cùng nhân dân trong huyện, tỉnh và cả nước đứng lên chống ngoại xâm, tình yêu ấy được nuôi dưỡng, phát triển, hun đúc thành truyền thống quý báu của người dân Định Hòa.

     Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, nếu như nền sản xuất nông nghiệp lúa nước là nền tảng của một nền văn hóa mang nhiều sắc thái thì lòng yêu quê hương, đất nước là chất keo cố kết cộng đồng và là bệ đỡ cho truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân Định Hòa trong lịch sử. Từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Bà Triệu đến các cuộc khởi nghĩa chống lại sự bành trướng của các thế lực phong kiến phương Bắc dưới các triều đại Lý, Trần, Lê Trong mỗi bước đi của lịch sử bóng dáng người Đồng Phang lúc thấp thoáng, lúc thì bừng sáng hào quang… thời nào cũng có. Bắt đầu từ chiến thắng Bạch Đằng, đánh quân Nam Hán của Ngô Quyền trên sông bạch đằng, chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược của phương Bắc kéo dài hàng nghìn năm, giành lại độc lập cho đất nước.

    Nối tiếp truyền thống ông cha trong các phong trào cách mạng, bảo vệ Tổ quốc phục vụ chiến đấu. Trong những năm háng chiến chống Mỹ cứu nước 433 thanh niên đã lên đường nhập ngũ, 76 thanh niên khác tham gia lực lượng thanh niên xung phong, 137 người tham gia trong các bộ máy và các ngành của Nhà nước, tham gia dân công hỏa tuyến 223 lượt người. Nhiều gia đình có từ 2 đến  5 người con tham gia chống Mỹ. Trong số đó 109 đã huy sinh không trở về, 18 thương binh. Trong số 433 người lính; 01 người đã trở thành Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân là Ngô Văn Tác, 10 dũng sĩ được tặng Huân chương chiến công, trong số đó có dũng sĩ diệt Mỹ Vũ Sĩ Cậy.. Nếu tính từ năm 1955 - 1975 thì xã Định Hòa đã xây dựng được một đại đội dân quân du kích với hơn 100 thanh niên tham gia, được biên chế thành các trung đội phục vụ trực chiến 24/24 giờ để phục vụ chiến đấu, là nơi đóng quân liên trạm và một binh trạm tiếp nhận quân, tiếp nhận việc di chuyển quân, cung cấp quân trang, quân dụng, tiếp nhận cán bộ và quân nhân từ Nam ra (trạm 8). Nhiệm vụ tiếp hận quân qua trạm và chuyển quân đến trạm 9. Hoạt động của đường dây giao liên này ở đất Định Hòa từ đầu năm 1966 và kết thúc cuối năm 1969, đầu năm 1970. Ngoài ra nhân dân Định Hòa còn giành ra 3 khu đất để làm nhà bếp, nhà ăn cùng các công trình phụ trợ khác. Nhà kho, giếng nước nhà vệ sinh trên 3 thôn Mia trung, Thung thôn, Thung thượng. Toàn bộ khu vực giáp ranh giữa làng Nhì và làng Nhất, tập trung toàn bộ kho lương, quân trang và là nơi cung ứng cho các bếp ăn từng đơn vị.

    Nhân dân Định Hòa đã ủng hộ hàng ngàn viên gạch, hàng trăm ngày công để xây 3 giếng nước ăn, tranh tre nứa lá cũng được đóng góp để xây dựng nên những căn nhà. Xã đã huy động hàng trăm ngày công, cùng vật liệu, bắc qua sông Cầu Chày, chiếc cầu phao để mỗi chiều, mỗi đêm đoàn quân tiến dần vào Nam. Thanh niên, dân quân đã đào hàng ngàn mét hào và làm hàng trăm hầm chữ A để tránh máy bay oanh tác, đảm bảo sự an toàn của người lính đóng trên địa bàn.

    Tháng 5/1965, Phang thôn Định Hòa bị ném bom, làm chết 2 người và hư hỏng nhiều tài sản; tháng 6 năm 1965. Phúc lai bị oanh tác, thiệt hại lớn về hoa màu và có 5 con trâu bị chết. Tháng 8/1965. Thung thôn, Mai trung cũng bị ném bom, không có thương vong về người nhưng tài sản cũng bị phá hủy nhiều, đặc biệt là đồng ruộng bị bom cày nát . Công tác hậu phương quân đội được thực hiện tốt như giúp đỡ các quân nhân xuất ngũ, giúp đỡ các gia đình liệt sỹ, nuôi quân về đóng tại địa phương, nhường nhà cho bộ đội nghỉ chân…

              Tinh thần trong chiến tranh là thế không ngại huy sinh mất mát, anh dũng kiên cường trong các cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, quân, dân một lòng không ngại gian khó. Trong phát triển Kinh tế  người dân Định Hòa cần cù sáng tạo, quyết tâm vượt lên đói, nghèo, xây dựng cuộc sống mới ngày càng ấm no, hạnh phúc. Cách đây hàng trăm năm, bên cạnh việc trồng cây lương thực nh­: lóa, ng«, khoai… Ng­êi d©n Định Hòa còn trồng bông dệt vải; một bộ phận khác đã biết tận dụng tiềm năng, lợi thế  đất đai rộng và màu mỡ trồng thêm cây lưu niên (cây ăn quả) và mở mang các ngành nghề, chăn nuôi như: Trâu, bò, gà vịt, dê. Cùng với trồng trọt, chăn nuôi, Định Hòa đã biết vận dụng rất sớm các tiềm năng tài nguyên sẵn có từ đât và núi, như nghề khai thác đá, nghề nung gạch, ngói đang duy trì đến  ngày nay.

      Cùng với những truyền thống có từ lâu đời của người dân Định Hòa, đó là truyền thống hiếu học, không ở hạng nhất nhưng cũng là vùng đất học có nhiều người đỗ đạt cao trong vùng , phát huy truyền thống hiếu học của ông cha các thế hệ học sinh Định Hòa vượt lên khó khăn  nổ lực phấn đấu, ra sức học tập, rèn đức, luyện tài … Chính vì vậy mà ở thời đại nào cũng có người học rộng, tài cao, vừa làm rạng danh cho gia đình, dòng họ, vừa giúp ích cho quê hương, đất nước.

      Bên cạnh truyền thống hiếu học, người dân Định Hòa còn hết sức coi trọng, giữ gìn và phát huy những bản sắc văn hóa dân tộc như: tính cố kết cộng đồng, các phong tục, tập quán tốt đẹp “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây”; các hoạt động tâm linh, tín ngưỡng … Trải qua những biến cố thăng trầm của lịch sử, những dấu tích văn hóa vẫn còn lưu giữ ở Định Hòa qua việc xây dựng, tôn tạo lại các Đền, Chùa, các di tích lịch sử văn hóa đã được UBND tỉnh Thanh Hóa công nhận. Đây chính là những minh chứng cụ thể, sinh động cho bề dày văn hóa và truyền thống lịch sử của người dân nơi đây.

     Di tích lịch sử văn hóa Điện Thừa Hoa và Từ Đường Phúc Quang

    Tổng thể Công trình tu bổ, phục hồi di tích Điện Thừa Hoa và Từ Đường Phúc Quang

    Đền Thánh Mẫu còn có tên là Phủ Nhì, toạ lạc trên khu đất chừng 5 mẫu. Phía Tây (Tâynam) nằm liền kề với dòng sông Cầu Chày(còn có tên gọi Lường giang hoặc Chùy giang thuỷ) bờ tả ngạn, qua khu Điện thị ( chợ Đền- hay chợ Nhì) rộng khoảng 5 sào trung bộ. Bao quanh khu Đền là ruộng lộc điền vua ban, cây cối râm mát che phủ và hoa màu tươi tốt quanh năm.

             Phía Bắc là núi Si, phía Nam là núi  Cẩu sơn (Núi Nội), phía Đông là Núi Nhì ( còn gọi là Núi Quan Yên). Với thế Tam Sơn như voi nằm, Hổ phục chầu về đồng Phang tức Động Bàng - Định Hoà bây giờ.

             Như vậy tạo thế chân vạc, Đồng phang vững bền như bàn thạch. Khu Đền mẫu và Phúc Quang Từ Đường nằm giữa 2 làng Nhất - Nhì (Thung thượng, Thung thôn). Phía nam, giáp Thung thôn làng Ngõ Phủ, giáp với phủ nhà Lê hướng đông nam. Nhìn hướng Tây nam, chưa đầy 100m là đình làng Thung thôn.

             Phía Bắc giáp Thung thượng liền kề là Ngõ Đền chạy hướng đông - Tây theo đường chim bay chừng 100m, hướng Tây bắc là đình làng Thung thượng nằm sát bờ sông cầu chày và phía trong một chút là chùa Thiên phúc nằm cạnh hón nước mạn bờ bắc thuộc địa Phu liễn là đền thờ công chúa Ngọc Phương.

             Đền thờ Thánh Mẫu Ngô thị Ngọc Dao, theo lối kiến trúc phương Đông và mang đậm dấu ấn văn hoá thời Lê, thời phong kiến Việt Nam hưng thịnh. Di tích này một trong những địa danh được tôn kính và ngưỡng mộ, chỉ đứng sau Lam Kinh một bậc trên đất xứ Thanh. Thời xưa ai đi qua đất này điều phải xuống ngựa ( bất kể quan hay dân) từ  "Thượng Đắc trí đến hạ Bái Càn " điều phải xuống đi bộ rắc ngựa.

              Ra đời cách đây gần 600 năm khu Đền phủ cũng trải  qua lắm bước thăng trầm.

    Theo Đại Việt sử ký toàn thư" của Lê Văn Hưu" "Lịch triều hiến chương" của Phan Huy Chú, "Lam sơn thực lục " của Nguyễn Trãi, và "Tộc phả họ Ngô"

                Năm Mậu Thân (1428) Lê Lợi bình đinh giặc Minh, tức vị Đế nghiệp, sau 10 năm, bên đại phong công thần trong đó có cha con Ngô Kinh, Ngô Từ có công cất giữ quân lương, ví như Tiêu Hà thời Hán Cao Tổ, phong Ngô Kinh Thái Quốc Hưng Quốc Công, Ngô Từ Thái phó Trương khánh công và ban cho Quốc tính (họ vua). Đến thời Lê thánh Tông  lên ngôi, thu nạp Ngô Thị Ngọc Xuân  (con gái Ngô Từ) làm vương phi sau đó lại thu nạp em gái Ngọc Xuân là Ngô Thị Ngọc Dao vào cung làm Tiệp dư tại cung Khánh phương, sinh ra Lê Tư Thành, sau này lên ngôi vua là lê Thánh Tông thuần hoàng đế, sau đổi niên hiệu là Hồng Đức. Đến năm thứ 9  Quang Thuận, Thánh Tông cho xây Thừa Hoa Điện, tại đất Đồng Phang, ngoại tổ để phụng sự Mẫu Hậu mỗi khi về thăm quê ngoại.

              Vậy đất Đồng Phang là đất ngoại tổ của các thời vua Lê (Kể từ đời vua Lê Thái Tông). Tỏ lòng tri ân ngoại Tổ, từ thời Lê thái Tông Văn hoàng đế (1434) đến đời Lê Thánh Tông thuần hoàng đế (1460) đã ra chiếu cho xây cất thánh thất, từ đường để tôn thờ ngoại tổ tại đất Đồng phang, Phúc quang từ đường phụng thi tiên tổ họ Ngô, được xây dựng từ thời Lê Thái Tông hoàng đế, trong đó Ngô Từ  (bố vợ vua) được tôn thờ chính điện. Vậy nên ngày 8 - 3 thường niên, họ Ngô khắp miền về làm giỗ tổ, chính là ngày Húy nhật Ngô Từ.(Phúc Quang Từ Đường 3 gian, xây cạnh  cung Đệ nhất - Theo sơ đồ phả họ Ngô)

               Năm thứ  9 Quang thuận tức năm Mậu tý ( 1468 ), Lê Thánh Tông (Con trai Ngô Thị Ngọc Dao) cho xây Thuần Mậu Đường tại Đồng bàng hương (Tức Đồng phang - Định Hoà) để phụng dưỡng mẫu hậu mỗi khi về thăm quê ngoại.

               Đến năm Quý tỵ, niên hiệu Hồng Đức thứ 4 (1473 ) tháng 2, từ Thăng long vua ngự về Tây kinh (Lam sơn) bái yết Lăng miếu tổ tiên sau đó về đất Đồng phang viếng thăm quê ngoại. Trong chuyến viếng thăm này, Lê thánh Tông đã cho xây lại Thuần mậu đường và cải tên thành Điện Thừa Hoa với quy mô mà ta đã biết.Đó là cung Đệ nhất.

             Theo Việt sử thông giám cương mục, tháng 2 năm Bính thìn (1496) Hoàng Thái Hậu sau khi viếng Lăng trở về quê ngoại nghỉ ngơi tại Thừa Hoa Điện, không may trúng phong ngã bệnh, đã băng tại Điện Thừa hoa , tháng 2 nhuận, ngày 26, giờ hợi (Tháng 2 nhuần được coi là tháng 3) thọ 76 tuổi . Thi hài được đưa về Vĩnh Lang an táng.

              Từ đó Thừa Hoa Điện đổi thành Đền thờ Thánh mẫu, hàng năm ngày 26 tháng 3 là ngày huý nhật; 4 giáp 6 làng Đồng phang hương khói thờ phụng.

    Vài nét về Quang thục thái hậu Ngô Thị Ngọc Dao. Thái hậu là con gái Dụ Vương Ngô Từ, đứng hàng 17 trong 19 người con của Dụ Vương. Sinh ra trong một gia đình vương hầu khanh tướng, thừa hưởng một nền giáo dục gia giáo theo khuôn vàng thước ngọc của Đạo Khổng - Tử, nên lớn lên trở thành một cô gái nết na hiền dịu, khuôn mẫu của người con gái Việt Nam: Công – Dung - Ngôn - Hạnh (Tứ đức).

              Theo chị về kinh thành Thăng long Ngô Thị Ngọc Dao người con gái nết na thuỳ mị, xinh đẹp được đưa vào Điện Khánh Phương làm Tiệp dư và trở thành Hoàng hậu vua Lê Thánh Tông.

            Vì sự ghen tỵ trong cung cấm, khi mang thai Lê Tư Thành (Tức là vua Lê Thánh Tông) bọn cung phi tìm cách hãm hại Ngọc Dao. Được mưu thần Nguyễn Trãi và vợ là Nguyễn Thị Lộ che chở giúp đỡ, mà bà Hoàng đã được bình an sinh nở.

            Tuy là Thái Tử, nhưng từ khi sinh ra Lê Tư Thành được mẹ dạy dỗ từ cách ứng xử đến chữ nghĩa văn chương cùng võ nghệ. Tư chất thông minh của Lê Tư Thành càng ngày càng được hiển lộ của một bậc đế vương.

             Lê Thánh Tông Nguyên long băng hà (1439), Bang cơ Lê Nhân Tông lên thay vì đến năm 1459 và sau đó là Lê nguỵ Dân hiệu Thiện Hung lên thay. Trong lúc triều đình rối loạn, sóng gió, những kẻ trung thần đã đưa Lê Tư Thành lên làm vua vào năm 1460 và sau này trở thành một vị hoàng đế anh minh tài giỏi, mà sử sách gọi là thời Hoàng Kim Hồng Đức.

            Dù là Hoàng Hậu hay Mẫu Hậu, trước sau bà Ngô Thị Ngọc Giao vẫn là người mẹ hết lòng vì con, vì giang sơn xã tắc, đem cái tâm vì thập loại chúng sinh.

            Sau khi qua đời, bà được thờ tại Thừa Hoa Điện (quê tổ ) và từ đó Thừa Hoa điện trở thành Đền Thờ Thánh Mẫu với 2 chữ vàng " Mẫu Nghi" ( người mẹ thiên hạ) và 2 câu đối lưu truyền.

            Trong một gia đình 19 người con, trong đó 11 trai (9 công tước, 2 hầu tước) 8 gái (6 quốc mẫu, 2 quân phu nhân), bà Ngô Thị Ngọc Giao sứng đáng được tôn vinh và thờ phụng theo nghi thức trọng thị Cung đình.

              Như ttrên đã nói, toàn bộ khu Đền, trong đó có Phúc quang Từ đường có diện tích 5 mẫu, khu ngoài Nghi Môn là 5 sào là khu đất chợ Đền giáp bờ sông Cầu chày.

             Toàn bộ ngôi Đền gồm 3 cung xây dựng theo kiến trúc cổ phương đông. Với những mái cong trạm khắc hình rồng. Đó là một công trình kiến trúc cổ kính, hoành tráng, độc nhất vô nhị, trong một không gian " Nội công ngoại quốc".

    Mạt bằng kiến trúc , ta có thể hình dung (có phụ bản kèm theo)

    Trên mặt bằng, ta có thể nhận ra: hai chữ công ,  nối nhau thành chữ vương.

    * Cung đệ nhất:

               Cung đệ nhất gọi là điện chính ( Thừa Hoa Điện) còn gọi là chính tẩm là công trình kiến trúc độc đáo: Tất cả đều làm bằng đá: Cột - Kèo, hoành ngang, đoàn bẩy, tường bao, .... Tất cả  đều từ loại đá quý chế tác mà ra. Trừ dui mè bằng gỗ lim và ngói hài lợp trên trang trí... còn lại toàn bằng đá.

                Chính tẩm gồm 3 gian, mỗi gian 2 m, lòng nhà rộng 3,5m, hè rộng 1m trong nhà, ngoài hiên, lát bằng đá trắng. Riêng 3 bộ cửa lớn nằm trên địa thu bằng đá, làm bằng gỗ lim , bốn cánh bức bàn, được sơn son thếp vàng.

                 3 gian chính tẩm là 3 bệ thờ đá tam cấp.

    Gian giữa thờ Quang Thục Thái Hậu, 2 gian bên, bên tả thờ cha (Ngô Từ), bên Hữu thờ Vua (Con - Lê Thánh Tông ).

                Chính điện trên cao treo bức Hoành Phi lớn (Nay còn giữ được ) Sơn son  thếp vàng với 2 chữ " Mẫu Nghi" Hai cột chính treo câu đối.

                                   Uy chấn cửu châu thiên hạ mẫu

                                   Danh bằng tứ hải địa trung tiên

                                  Tạm dịch: Nỗi tiếng chín châu là mẹ Thiên hạ

                                  Vang lừng bốn bể là tiên đất trời

               Trong Điện thờ gồm nhiều đồ thờ:  Ngai, bài vị, lư hương bát hương đồng, Lộng tán che trên, hai hạc lớn canh hàng bát bửu (Thể hiện uy quyền).

              Tóm lại với lối kiến trúc độc đáo và những nét chạm trổ trên đá hết sức tinh xảo, giàu tính truyền thống Á đông, Điện Chính được coi là một công trình kiến trúc độc nhất vô nhị. Rất tiếc công trình đã bị phá huỷ vì những lý do khác nhau.

               Nối cung đệ nhất với cung đệ nhị là nhà Cầu rộng là nơi các cung văn cô đồng hầu bóng.

    *  Cung đệ nhị : 5 gian, mỗi gian rộng chừng 2,3m, được làm toàn bằng loại gỗ quý. đây là nơi Hành lễ, gian giữa bầy 2 lớp hương án phụng thờ các Công thần. Trong năm, các ngày mùng 8 -3, 25 - 3 và 16 tháng giêng, là ngày lễ trọng theo nghi thức Cung đình.

              *  Cung đệ Tam : Gồm 7 gian lớn, mỗi gian 2,8m, ngoài ra còn 2 dĩ, mỗi dĩ cũng tới 3m, chiều dài tới gần 20m. Cũng như cung đệ nhị, cung đệ tam được làm bằng các loại gỗ quý và cũng được chạm trổ trên các xà, hoành, kẻ chuyền, câu đầu, thượng lương theo các nhóm tứ linh.

                  Bẩy gian bỏ trống, sát hồi hai bên dựng những tấm bia lớn ghi lại công Đức của những bậc công thần và những người có công xây đền.

                Cung Đệ Tam là nơi chuẩn bị hành lễ của các quan chức củau Triều đình. Hai bên , bên hữu là chiếc chuông lớn, bên Tả là khánh đá to. Chuông khánh chỉ được nổi lên khi các quan hành lễ.

               Hai bên cung, còn có 2 dĩ, tức 2 nhà chờ giành cho khách hành hương.

               Khu Đền được hoàn tất năm Tân Mão (1471) Niên hiệu Hồng Đức thứ hai Triều Lê Thánh Tông. Và năm 1473 Đền thánh mẫu được trùng tu.

               Sau khi Quang Thục Thái Hậu mất (1496 ), Lê Thánh Tông ra chỉ: Giao cho 6 thôn 4 giáp Đồng phang với 30 mẫu lộc Điền phụng thờ, hương khói, lấy ngày 26 - 3 là ngày Kỵ Mẫu, để con cháu và các con dân nhớ ngày kỵ về dâng hương tưởng niệm tại Đồng Phang.

               Và còn sắc chỉ:

               26 - 3 là ngày Quốc giỗ, vậy ngày này, bộ Lễ triều đình đứng ra làm chủ tế theo nghi thức cung đình tại đền Đồng Phang.

              Lại nữa: Sắc cho Đồng phang và vùng lân cận 25 - 3 và ngày 16 tháng giiêng hàng năm tổ chức rước bóng Thái hậu từ cáo giếng về Đền, để mọi người cùng được tri ân Công đức.

              Theo lệ hàng năm lễ hội Kỵ Đền được các quan chức triều đình tiến hành nghi lễ từ ngày 23 đến 26/3. Trong những ngày này, con cháu họ Ngô, khách thập phương khắp nơi, khắp miền lũ lượt kéo về Đồng Phang dâng hương dự hội. Đặc biệt là ngày 25/3 là ngày lễ  trọng, có tế lễ, cung văn hầu bóng, cùng các lễ nghi do quan chủ tế triều đình đứng ra hành lễ. Và ngày 26/3 cũng là ngày đóng cửa đền vào giờ ngọ.

              Lệ tế xuân, rước bóng ngày 16 tháng giiêng được tổ chức rất trang trọng. Khiêng kiệu là những thôn Nữ Tân được chọn lọc trong 4 giáp. Khắp nơi đổ về đứng chặt đường  đón từ Cáo giếng về Đền. Trong ngày này 4 giáp điều có 4 kiệu theo hầu rước bóng về phủ và sắm đồ lễ thịnh soạn dâng lên Thánh Mẫu.

              Kỵ Đền 26/3 là một lễ hội lớn truyền thống. Đó là sự tôn vinh đức hạnh của những bậc thánh, đặc biệt về công đức, phẩm hạnh của thái hậu Ngô Thị Ngọc Giao.

    Sau những năm chiến tranh và những sự cố khác, khu Đền mẫu không còn.

              Mặc dù vậy, với tấm lòng nhớ về cội nguồn. Đảng, Chính quyền, nhân dân Định Hoà đã bỏ nhiều tiền của, công sức cho xây dựng lại một số hạng mục của khu Đền. Tuy chưa được khang trang như mong muốn, nhưng phần nào cũng báo đáp công ơn của những bậc Tiền Nhân và lòng ngưỡng mộ của nhân dân trong xã cũng như khách thập phương trong khắp miền đất nước.

    Thực hiện nghị quyết TW 5 khoá VIII, kết luận hội nghị  TW 10 khoá   IX về việc xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc văn hoá dân tộc, nhất là việc xây dựng, tôn tạo, giữ gìn, khai thác các giá trị Di tích lịch sử văn hoá, đầu năm 1990 Đảng bộ và nhân dân xã Định Hoà đã tiến hành tu tạo Di tích Lịch sử văn hoá Phủ nhì với hai cung đệ nhất, đệ nhị.

    Năm 2002, tiến sỹ Ngô Xuân Hùng thuộc dòng bách tính Nam Định cùng với những cá nhân tâm đức và con cháu họ Ngô Đồng Phang đã phát tâm công đức, xây dựng lại Phúc Quang Từ Đường, nơi tôn thờ Dụ Vương Ngô Từ và các liệt vị họ Ngô, một di tích lịch sử cấp quốc gia, với giá trị hàng trăm triệu đồng.

              Ngày 28 tháng 10 năm 2016 Bộ văn hóa thể thao và Du lịch quyết định số 3745 ngày 28/10/2016 công nhận Điện Thừa Hoa và Từ Đường Phúc Quang xã Định Hòa Di tích lịch sử cấp Quốc gia.

    Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Định Hòa luôn làm hết sức mình,  được sự quan tâm của các cấp lãnh đạo từ trung ương đến địa phương và của các doanh nghiệp cá nhân có lòng hảo tâm trên mọi miền đất nước  đầu tư xây dựng trung tu, tu bổ lại Điện Thừa Hoa  ngày 16/3 năm Mậu tuất tức ngày 23/4/2018 . UBND huyện Yên Định tổ chức “Lễ khởi công Dự án tu bổ, tôn tạo di tích lịch sử Điện Thừa Hoa xã Định Hòa”, đây là một niềm vui phấn khởi của nhân dân trong xã và muôn dân trăm họ khu Điện Thừa Hoa không xa nữa  được trung tu khang trang xứng tầm là nơi thờ Mẫu, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.

    Phía nam cạnh Đền thờ thái hậu, Phúc Quang đường cũng đươc làm mới với ý nghĩa tôn kính tiên tổ Ngô gia, những người có công với đất nước. Với lòng ngưỡng mộ biết ơn, con cháu họ Ngô khắp miền đất nước, chung tay xây dựng nhà bia (Từ đường ký) cho muôn đời con cháu noi theo. Hàng năm cứ đến ngày 8/3, con cháu họ Ngô khắp đất nước tụ tập về đây làm giỗ tổ.

    Chùa Thiên Phúc

    Chùa thiên Phúc nằm giữa quần thể di tích văn hoá Đồng phang, toạ lạc trên vùng đất cao chừng hơn.......ha, bên bờ tả sông cầu chày, cạnh bờ hón về phía đông nam làng nhất.

    Chùa Thiên Phúc cũng nằm giữa Đình làng và Đình hội làng Thung Thượng.

    Phía nam là Điện thừa Hoa cổ kính, tôn thờ Thái Hậu Ngô thị Ngọc Dao, người con gái trinh tuệ, nhu chính, hoà sùng, nhân thánh, hàm hoằng- Người mẹ của Đức Vua anh minh Lê Thánh Tông – Người mẹ Thiên hạ; nhà thờ Tổ họ Ngô Phúc Quang Từ Đường, thờ Dụ Vương Ngô Từ và các liệt vị tiên tổ Họ Ngô. Con đường Ngõ phủ là Phủ nhà Lê, tôn thờ các bậc vua Lê, thời Lê Trung Hưng.

    Chùa Thiên Phúc được xây dựng khoảng thế kỷ XI đầu thế kỷ XII đời nhà lý, thời mà đạo phật Hưng thịnh được tôn là quốc giáo, có cách đây trên dưới ngàn năm tuổi.

    Cùng thời với chùa Thiên Phúc, còn có các chùa: Hương nghiêm(Đông sơn), Báo ân – An hoạch năm 1100, linh xứng (Hà trung), năm 1101, Sùng nghiêm 1118 và các chùa khác trong phủ Thanh Hoa xưa.

    Chùa Thiên phúc xưa chỉ có 3 gian khiêm tốn, kiến trúc không cầu kỳ, bốn mái uốn cong. Phía trước là một sân rộng chừng 40m2, cách chợ chùa một khoảng không xa về hướng sông.

    Gian giữa, phía trên đặt tượng lớn “Thánh ca mâu ni), dưới là các tượng bồ tát cùng các lư đồng, chân đèn, ống nhang...

    Hai gian bên hữu đặt quả chuông đồng to, đường kính chừng 70 phân, tiếng chuông âm vang mỗi sáng mỗi chiều; bên tả đặt một khánh đá lớn, tiếng vang âm huyền bí vào không gian tĩnh lặng, xa lắm !

    Trước chùa, trong bồn lớn, con rùa đá có đường kính linh mét đội tấm bia đá nặng.

    Cho đến nay cũng không có Thư tịch và ghi chép nào để lại, liệu nhà chùa có sư trụ trì hay không? chỉ biết có Thầy chùa là người địa phương trông coi và hành lễ vào những ngày lễ tiết trong năm và các ngày lễ phật.

    Theo gia phả họ Ngô Việt Nam do ông Ngô Lan viết thì vào khoảng trước hoặc sau 1300, vợ chồng Ngô Rô - bà Trần thị Hưu đã tá túc tai đây, nương nhờ cửa phật, sớm hôm đèn nhang phụng thờ Đức phật như môn đồ Phật tử.

    Có phải ông bà Ngô Rô đã phát tâm quy y Tam bảo, được sự hoá độ của Đức phật mà khi qua đời, hai ông bà đều được Thiên táng. Truyền thuyết “Cha nổ đó, mẹ xó chùa” phát tích từ đây.

    Từ khi chùa Thiên Phúc ra đời, được các tăng ni, phật tử, các tín đồ thiện Nam, tín Nữ khắp nơi về đây, lấy việc tỉnh tiến tu hành phục vụ chúng sinh với tấm lòng từ bi hỷ xả.

    Thờ phật là thờ đức tin. Phật là tâm tâm là phật, phật trong tâm., tâm là đạo, phật chính là tâm, hướng thập loại chúng sinh đến cái chân -  Thiện - Mỹ. Giáo lý đạo pháp phật giáo là hướng tâm, hướng thiện, hoá độ chúng sinh, bỏ con đường tối, tìm con đường sáng, thoát khỏi cảnh luân hồi, an vui nơi Tịnh độ.

    Từ xưa, Định Hoà không có môn đạo chính thống, nhưng cuộc sống tâm linh hướng thiện, đã đưa con người đến miền đất phật. Những ngày lễ tiết, nhất là ngày sóc, ngày vọng, thiện Nam tín Nữ, nhất là các cụ sắm lễ lên chùa cúng dường chư phật. Đó là cuộc sống tâm linh đáng được tôn trọng.

    Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, quần thể Di tích xã Định Hoà, trong đó có chùa Thiên Phúc đã không còn nữa. Chùa Thiên Phúc chỉ còn để lại dấu tích nền móng nham nhở. Dấu tích duy nhất còn lại là cây thị già và cây me cổ thụ trên dưới nghìn năm tuổi.

    Năm 2003, UBND xã Định Hoà đã có tờ trình, đề nghị xin Tôn tạo, xây dựng lại chùa Thiên Phúc trong quần thể di tích văn hoá Đồng phang và được uỷ ban nhân dân huỵện phê duyệt giao cho phòng văn hoá thông tin huyện, phối hợp với địa phương để thực hiện. Nhưng do nhiều yếu tố khách quan, chủ quan, công trình không được triển khai.

    Năm 2006, thể theo nguyện vọng của nhân dân trong xã, đại diện con cháu họ Ngô và khách thập phương với tấm lòng phát tâm Bồ đề công đức cùng với địa phương để xây dựng tôn tạo chùa Thiên Phúc.

    Đảng uỷ, HĐND, UBND, uỷ ban MTTQ xã đã đi đến quyết định xây dựng tôn tạo lại chùa Thiên phúc.

    Được sự đồng ý và cho phép của UBND huyện, sự giúp đỡ và chỉ đạo của trung tâm văn hoá thể dục thể thao huyện Yên Định, ngày 01 tháng 3 năm 2006(Tức ngày 02 tháng 02 Bính tuất) Chùa Thiên Phúc chính thức được khởi công xây dựng trên nền móng cũ , nằm hướng Tây Nam

    Sau 3 tháng thi công, từ việc giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ bản đến trang trí nội thất, ngày 28 tháng 5 năm 2006 (Tức ngày mùng 02 tháng 5 Bính tuất) Hậu cung chùa Thiên Phúc chính thức được khánh thành và đưa vào sử dụng với kinh phí đầu tư là 244 000 000đ

    Tuy kiến trúc không được nguyên mẫu, nhưng ngôi chùa 3 gian với kết cấu vững chắc, đã tạo cho ngôi chùa bề thế, khang trang, có chiều dài 9,1m chiều rộng 5,5m. Mặt trước là hàng hiên cắt ngang, phía trên là 4 mái cong lợp ngói hài. Phía trước nhìn ra sông cầu chày là một sân rộng, có rùa lớn đội lư hương. Bên trong được bài trí 5 lớp tượng phật ở chính diện, từ trên xuống gồm: Tượng Tam thế phật, Tượng Di đà Tam tôn, Tượng Hoa nghiêm tam thánh, Toà cửu long, tượng nghìn mắt nghìn tay.

    Ngoài 5 lớp thờ phật với 14 pho tượng, thì phía trong cùng bên phải thờ việt quốc công Thái uý Lý thường Kiệt (Tức Ngô Tuấn), phía bên trái thờ “Ông nổ đó, mẹ xó chùa” Đại toát Thái lão hương quan Ngô Rô - Trần thị Hưu.

    Từ ngày khành thành ngôi chùa  và từ khi có sư trụ trì về đảm nhận đến nay, tiếng chuông, tiếng mõ cùng hương hoa cúng dường, khói toả hương thơm, lòng người tinh tấn, hướng đến cõi .........không gian nhà chùa càng ngày càng được hoàn thiện hơn góc Nam là cổng Tam quan bề thế, làm cho cảnh quan nhà chùa thêm u tịch, tĩnh lặng mỗi khi tiếng chuông ngân trong mù sương khói toả.

    Thực hiện: Ban biên tập trang thông tin điện tử xã Định Hòa

    °