Thứ tư, ngày 24 tháng 4 năm 2024 Thư điện tử Liên hệ Sơ đồ trang
    Bạn thấy nội dung trên Cổng thông tin điện tử xã Định Hòa, Huyện Yên Định như thế nào?
    166 người đã bình chọn
    58 người đang online

    KHÁI QUÁT VÙNG ĐẤT VÀ CON NGƯỜI ĐỊNH HÒA

    100%

    Xã Định Hòa nằm về phía Đông Nam của huyện Yên Định, cách trung tâm huyện lỵ khoảng 4km. Phía Bắc giáp xã Định Tân, Định Hưng; phía Đông và Đông Bắc giáp xã Định Tiến; phía Đông Nam giáp xã Định Thành; phía Nam giáp xã Thiệu Long; phía Tây và Tây Bắc giáp xã Định Bình

    Khu Công sở xã Định Hòa

    Định Hòa được thiên nhiên ưu ái, ban tặng cho những cánh cò bay. Với diện tích tự nhiên trên 10km2 , trải dài từ xã Định Hưng xuống giáp Định Thành, Định Tiến, Định Bình tạo cho Định Hòa ở thế trung tâm, nằm phía hữu ngạn sông mã, tả ngạn sông cầu chày, ruộng đất canh tác được thiên nhiên ưu đãi mầu mỡ, phì nhiêu sản xuất nông nghiệp thuận lợi.

      Xã có tổng diện tích đất tự nhiên là 1.100,18ha. (Trong đó, đất nông nghiệp là 766ha; đất dự án 65ha; đất phi nông nghiệp và đất chưa sử dụng là 64,8ha).    

              Về địa hình và đất đai:

    Là một xã thuộc vùng đồng bằng của huyện, nằm kẹp giữa sông Mã và sông Cầu Chày, được bồi đắp bởi phù xã sông Mã và sông Cầu Chày, đồng thời còn có sự xen kẽ các núi Núi Nhì - Núi đá vôi, phần xã Định Hòa quản lý  sườn phía Bắc và phía Tây có Dt 76,28ha, Núi Nội (hay còn gọi là Núi Nuông) nên địa hình không bằng phẳng và có độ dốc lớn.

    Từ những yếu tố trên, địa hình của xã phân bố theo thế bậc thang, với hệ thống thủy lợi không ngừng được cải thiện, điều kiện canh tác trở nên dễ dàng hơn, các vùng trũng được nhân dân nhận canh tác theo mô hình lúa - cá.

              Về thủy văn: 

    Trong qua trình lịch sử, sông Cầu Chày chỉ là sông nội địa ngắn và nhỏ nhưng nó vẫn là một đường thông thương dễ dàng từ sông Mã lên vùng núi Ngọc Lặc. Từ cửa Phú Ninh các thuyền nhỏ và vừa vẫn thường xuyên qua lại trên sông để trao đổi mua bán các loại hàng hóa tại chợ Phủ Nhì, các loại bè mảng, luồng gỗ cũng đi qua sông này để ra sông Mã. Ở thế kỳ XV, vua Lê Thánh Tông (1460- 1497) mỗi lần về Lam Sơn bái yết sơn lăng đều ngự thuyền rồng ghé thăm quê ngoại Động Bàng tức là quê bà Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao.

    Trước đây, dòng Cầu Chày là mạch Đồng Phang, nó là nhịp đập cuộc sống, nó là tấm gương soi bóng Định Hòa. Ngoài giao thông cảnh trí, dòng sông còn là nguồn nước tưới cho đồng ruộng và là nơi tiêu úng cho mùa mưa bão. Ngày nay, để phục vụ sản xuất nông nghiệp hai bên bờ sông xã đã xây dựng được 5 trạm bơm điện.

    Sông Cầu Chày đi qua xã với chiều dài khoảng 7km, hình cong quả bầu, điểm thắt từ làng Căng (Định Bình) xuống đến làng Nga, dân gian gọi đoạn sông này là sông Bầu Nga và có câu “Sớm Bầu Nga, tối lại Bầu Nga”. Đến năm 1955 – 1958, một con đập vững chắc chặn đoạn Bầu Nga sông Cầu Chày, đoạn chảy qua Định Hòa trở thành hồ tích nước và nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích mặt nước khoảng 39.8ha. Chiều dài của hồ đã bị chia cắt với 5 con đập: Phúc lai, Phang thôn, Thung thôn, Mai trung, Nội thôn, tạo thành các ô nuôi cá nhỏ. Năm 1959, xã đã xây dựng trại nuôi cá. Hàng năm cung cấp cho nhân dân và các vùng lân cận hàng chục tấn cá. Sông, hồ Định Hòa là một trong những điều kiện tự nhiên hết sức phong  phú, có tác động to lớn đến đời sống kinh tế xã hội.

    Từ Định Hòa qua sông Cầu Chày (đò Phong Phú-Thiệu Long) là điểm giao lưu với Thiệu Hóa, xuôi theo đường 45, qua cầu Vạn Hà là Đông Sơn, Triệu Sơn,Thành Phố Thanh Hóa.

    Thời tiết khí hậu : Với vị trí địa lý như trên Định Hòa chịu ảnh hưởng chung của khí hậu trong vùng. Với khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm chia làm hai mùa rõ rệt: Một mùa mưa và một mùa khô lạnh. Tổng nhiệt độ trung bình hàng năm từ 8 000oc - 8 600oc. Nền nhiệt độ tương đối cao, mùa đông lạnh, nhiệt độ trung bình ở tháng giêng là 15oc. Nhiệt độ cao nhất vào tháng 7, trung bình từ 30 - 35oc.. Biên độ nhiệt trong năm từ 9 - 14oc, biên độ nhiệt trong ngày từ 5,5 - 6oc. Nhìn chung nhiệt độ trong năm tương đối điều hòa, lượng ánh sáng phù hợp, thuận lợi cho cây trồng, vật nuôi và đời sống nhân dân.

    Tổng lượng mưa bình quân từ 1 600 - 1 900 mm/năm, mùa mưa lớn kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa lớn nhất vào tháng 8 và tháng 9 đạt tới 300- 350mm. Hướng gió chính: Gió mùa Đông Bắc thường xuất hiện từ tháng 10 đến tháng 4 sau đó mang theo mưa phùn, nhiệt độ thấp giá rét, gió Đông Nam thường xuất hiện từ tháng 4  đến tháng 10, khô nóng từ tháng 5 đến tháng 7, làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và đời sống của nhân dân.

    Như vậy, tính chất xen kẽ giữa hai mùa khô lạnh và nóng ẩm mưa nhiều diễn ra rất rõ nét ở Định Hòa. Nhìn chung, khí hậu ở nơi đây tuy có phần khắc nghiệt nhưng cơ bản vẫn rất thuận lợi cho việc canh tác nông - lâm nghiệp một cách phong phú, đa dạng và bền vững.

    Cùng với địa lý tự nhiên thuận lợi và nguồn đất đai màu mỡ, phì nhiêu, người dân Định Hòa cần cù, năng động và sáng tạo. Đây là một cơ sở quyết định quan trọng trong sự tồn tại và phát triển bền vững của Định Hòa .

    Giao thông: Hệ thống giao thông của Định Hòa đang dần được hoàn thiện, toàn xã đã có 7 km đường giao thông liên thôn, liên xã được bê tông và nhựa hóa, góp phần  quan trọng đến việc phát triển kinh tế - xã hội và an ninh – quốc phòng ở địa phương

    Hệ thống giao thông đường bộ xã Định Hòa khá hoàn chỉnh, có đường tỉnh lộ 516C, nối với quốc lộ 45, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương trong và ngoài huyện tới mọi miền đất nước, góp phần quan trọng để địa phương đẩy mạnh giao lưu phát triển kinh tế, văn hoá - xã hội.

    Về giao thông đường thủy. Trước đây Định Hòa có sông Cầu Chày chảy qua đã tạo điều kiện thuận lợi trong giao lưu đường thủy. Thuyền, bè địa phương từ sông Cầu Chày thông thương xuôi ngược xuống sông Mã hay lên rừng, với các vùng miền trong và ngoài tỉnh.

    Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ xã, trong những năm gần đây, tình hình kinh tế, chính trị, xã hội trên địa bàn xã ngày càng ổn định, xu thế đô thị hóa đang được các cấp, các ngành quan tâm và dần dần hình thành các điểm dân cư trung tâm, bám theo trục đường giao thông. Cơ cấu nền kinh tế của xã hiện nay đã và đang được chuyển đổi theo hướng tích cực và hợp lý, với tỷ lệ cơ cấu kinh tế nông nghiệp 34,25%, ngành nghề TTCN- XDCB 26,84, DV 38,91%. Từ cơ cấu kinh tế hợp lý đã tạo thêm nhiều công ăn, việc làm cho người lao động, tỷ lệ hộ nghèo năm 2018 giảm xuống còn 2,67% theo tiêu chí mới.

              Theo số liệu thống kê năm 2018, xã Định Hòa có 1.830 hộ với 7842 nhân khẩu, sinh sống tại 8 làng, 6 thôn. Tỷ lệ tăng dân số tự nhiên hàng năm từ 0,45 - 0,46 %, đây là cơ cấu dân số hợp lý với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay.

              Nhìn chung, vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên - xã hội đã và đang tạo cho Định Hòa những thuận lợi cơ bản trong việc phát triển kinh tế - xã hội, giao lưu hàng hóa với các vùng, miền trên cả nước, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Những ưu đãi này đang được Đảng bộ và nhân dân Định Hòa khai thác, sử dụng có hiệu quả trong công cuộc đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, làm giàu cho quê hương, đất nước.

               QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH CỘNG ĐỒNG DÂN CƯ LÀNG, XÃ

    Theo các tài liệu thư tịch để lại, tổ chức tên gọi đầu tiên là xã. Từ xã đổi thành Hương lại đổi thành Xã. Thời thuộc Đường, Đường Cao Tổ niên hiệu Vũ Đức năm Nhâm NGọ (622) sau khi giành quyền đô hộ từ tay nhà tùy (618), lập ra “Giao Châu đô hộ phủ”, bỏ chức quận khôi phục lại các châu (gồm 12 châu, 59 huyện). Theo quy định  nhà Đường, căn cứ vào suất đinh, hộ mà thành lập đơn vị hành chính cấp cơ sở trên làng là xã. Ở Định Hòa, trước đây gọi là Đồng Phang xã, thuộc Tổng Đông lý, Phủ An Định, Trấn Thanh Hoa ( tỉnh Thanh Hoá bây giờ).

    Thời Hậu Lê có 4 giáp 6 làng: giáp nhất (Thung Thượng), giáp nhì (Thung thôn), giáp ba là Phấng-Bồi (Làng Phấng và làng Lập Thôn), giáp tư là hai làng Me-Nội(làng Mai và làng Nội Thôn).

    Thời Lê Thánh Tông (1477), 4 trại: Động Hà, Trang mai, Trang Đún, Trang Phác Cá mới được thành lập. Như vậy, thời Lê. Động bàng Hương đã có 6 làng, 4 trại ấp.

    Đến mãi thời Gia Long ( Nhà Nguyễn), 4 trang ấp trên mới được công nhận  là đơn vị làng.

    Cách mạng tháng tám thành công, Đồng phang sáp nhập thêm các làng: Mĩ Nga, Ấp Trú, làng Sen, làng Căng, làng Si, nâng tổng số làng lên 15.

    Do phân cấp quản lí hành chính nhà nước, ngay sau kháng chiến chống Pháp, Đồng Phang được chia tách thành 2 xã: Định Hoà và Định Bình.

    Xã Định Hoà là các làng: Phúc Lai, Tố Phác, Phang Thôn, Thung Thượng, Nhì 1, Nhì 2, Mai Trung, Nội Thôn và Đồng Hà. Từ đó đến nay, khu vực  hành chính xã Định Hoà ổn định cho đến ngày nay.

    Trải qua những bước thăng trầm của lịch sử, những biến đổi về địa giới hành chính. Hiện nay, xã Định Hòa có 8 làng, 9 thôn. Dù ở liền kề hay cách một cánh đồng, một bờ sông, nhưng trong cái chung vẫn có những nét khác biệt. Cũng như bao làng quê khác trong vùng, làng xã ở Định Hòa là một cái nôi bảo tồn bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của quê hương, dân tộc.

    Quá trình hình thành các làng ở Định Hòa cụ thể như sau.

    Làng Phúc Lai

    Phúc Lai còn có tên gọi là làng Đún, " Làng Đốn". Phúc Lai nằm trong "lòng quả bầu" điểm đầu tiên đón dòng Cầu Chày chảy từ làng Căng vào phía Tây, giáp 2 làng Căng (Căng Thượng và Căng Hạ), phía Tây giáp làng Bùi (Định Bình). Cách trung tâm xã chừng 1km theo đường chim bay về hướng Đông-Bắc (qua Tố Phác), phía Đông-Đông Nam nhìn về làng Nhì. Bắt đầu lập làng có tên là Trang Đún. Khai thiên kiến Ấp Phúc Lai là hai ông Vũ Tiến Tài và Vũ Đình Thắng, con cháu dòng Vũ Uy. Thời Hồng Đức thứ 8 năm 1477, luận công ban thưởng cho các công thần, Lê Thánh Tông đã hạ chỉ, cho phép  các con cháu dòng họ Vũ Uy được kiến tạo 45 Trang ấp tại 11 huyện thuộc Phủ Thanh Hoa trong những Trang đó có Trang Đún.

    Thời lập ấp Trang Đún duy nhất chỉ có dòng họ Vũ, do nhiều yếu tố xã hội khác nhau, đến nay đã có các dòng họ: Lê, Trịnh, Ngô, Đoàn, Phạm, Nguyễn, Đỗ, Đinh, Trương, Dương, Tô, Cao, Hà, Hải, Tống, Lưu, Trần, và cuối cùng là dòng họ Vũ gốc.

                        Truyền thống văn hóa của làng Phúc lai mang đậm nét văn hóa làng quê đồng bằng Bắc bộ với cây đa, bến nước, sân đình.

              Phúc Lai đang quản lý 44,71 ha ruộng đất, trên các cánh đồng: Bãi thiếu, Ba giao, Cầu bùi, Mã tổ, Đồng lạc, Miếu lạc, Miếu cao, Miếu trũng, Đồng nung, Cồn, Cồn ổi, Ao Bùi, Triền nghè, Ngõ Căng, Cồn dáng, Hà trò, Hà Mái, Gốc gạo, Thổ láu, Thổ màu, Cồn bì …Cánh đồng rộng lớn, chạy suốt từ làng Bùi qua làng Căng xuống tận sông (phía bên kia sông), được khai phá từ  trước kia. Nối làng với bên kia sông, làng đã bắc chiếc cầu tre vững chắc, bây giờ là con đập vĩnh cửu. Hệ thống nội đồng, mương máng vươn xa từng cánh đồng, tạo điều kiện canh tác hết sức thuận lợi. Từ một vụ lúa, một vụ màu nay là 2 vụ lúa, 1 vụ màu, cơ cấu vụ đang được chuyển đổi nhanh chóng.        

               Làng Tố Phác

              Cũng nằm trong "lòng quả bầu" như Phúc Lai. Đối diện với làng Thung Thượng một dòng sông Cầu Chày chảy về hướng Đông - Đông Bắc. Tố Phác vốn là Trại Ấp được lập từ thế kỷ XV, Trưởng làng là ông Vũ Đình Tương.

              Thời Vua Lê Thánh Tông (đời Vua thứ III, thời Hậu Lê), cử ông Vũ Đình Biên (con của ông Vũ Đình Tương) trông coi Thừa Hoa Điện (nơi thờ phụng Thái Hậu Ngô Thị Ngọc Dao tại Đồng Phang), được Nhà Vua ban phát lộc điền và cho phép cha ông (tức ông Vũ Đình Tương), kiến ấp Phác Cá, gọi là Phác cá trại.

              Triều Lê Thuấn Tông (1732) ban sắc truy niệm ông Vũ Đình Tương, có công phụng trị Triều Lê, chỉ dụ cho Phác Cá Trại phụng thờ. Vũ Đình Tương "sinh vi tướng, tử vi thần" là Thành hoàng Tố Phác ngày nay.

    Suốt trong thời gian dài lập ấp năm 1477, mãi đến thời Minh Mệnh (1820-1840). Tố Phác mới được công nhận là làng đầy đủ tư cách. Và cũng từ đó, trong làng mới có làng Hương, nghĩa là có đồng triện, có Lý Trưởng, có các chức dịch khác, chỉ trong một thời gian không dài, nhưng Tố Phác đã có 5 đời Lý Trưởng: Lý Đông, Lý Vinh, Lý Ninh, Lý Phùng, Lý Hiền. Không hiểu nội bộ trong làng tranh cãi với nhau những gì mà Tố Phác nổi tiêng là dân "Lý sự".

               Theo con số mà chúng ta có được, tính đến năm 1858, Tố Phác có 15 hộ với 47 người, tất cả đều thuộc dòng họ Vũ Đình Tương. Sau cách mạng Tháng Tám, Tố Phác có 32 hộ (số khẩu không có số liệu). Đến nay Tố Phác có 135 hộ với 594 nhân khẩu. Số dòng họ tăng lên, khu dân cư được mở rộng, là kết quả của sự  "điều chỉnh xã hội", chủ yếu vẫn là thời kỳ điều chỉnh lao động trong HTX nông nghiệp sau năm 1965. Hiện có 19 dòng họ sinh sống: Vũ, Ngô, Lê, Nguyễn, Dương, Tô, Đặng, Phạm, Trần, Đỗ, Trịnh, Hoàng, Luyện, Đoàn, Cao, Hồ, Lường, Mai, Bùi. Sau dòng Vũ lớn là dòng Ngô.          

              Tố Phác hiện nay có 41,34 ha đất canh  tác (chưa kể  đất thầu khoán). Một số đặc điểm về Tố Phác ruộng không liền vùng, liền thửa, ở vào cái thế cài răng lược. Chỉ có trên 40 ha đất canh tác, nhưng nằm rãi rác trên các xứ đồng: Bờ nổ, Lũy, cây Thị, Đồng Nga, Ba trạ, Lăng giá Gương, Lăng chín muồi, Đồng Mạt, Dọc thắng, Dọc chem, Chóp cài, Bến Phấng, Dọc tràng, Vang màu, Dọc Me, Đá Bia, Đồng Nhầm, Lũy Nhầm, Mẫu ông Ning, Bà hòn, Trại Mụ, Gốc cáo. Cũng như Làng Đún, đồng đất Tố Phác cũng là đất pha cát, có thể trồng một vụ lúa và một vụ màu.                           

    Làng Phang thôn

    Phang Thôn, Báng Thôn, hay kẻ Phấng cũng chỉ là một.

              Nằm phía tả ngạn sông Cầu chày, bên bờ đất lở. Đó là một sống đất cao, hình cong, theo hình con Voi nằm. Vì thế người ta nói rằng: Phấng ở trên con Voi. Phía bắc làng Bồi (làng Bùi-Định Bình), phía Tây là dòng Cầu Chày. Chếch phía Nam bên kia là làng Tố Phác, phía Nam là làng Nhất, phía Đông là Đồng Giếng tiếp giáp với địa Định Tân.

    Theo các cụ trong làng nói thì có lẽ họ Nguyễn có mặt trước (?). Tuy nhiên theo gia phả họ Ngô có nói rằng, ông Ngô Hữu Liêu kết hôn với bà Nguyễn Thị An, người cùng xã. Xét ra thì thời xa xưa, trên đất đồng Phang chỉ có ba làng được coi là đầu đời (làng Nhì, làng Nhất, Phang Thôn). Làng Nhì là họ Ngô, làng Nhất là họ Lê. Còn họ Nguyễn chỉ có thể ở làng Phang Thôn.

    Dân cư Phang Thôn nằm dọc trên một dãi đất cao hẹp, sát bờ sông. Địa giới xưa kia, phía Nam là Hón Sư (Giáp nhà ông Sành), phía Bắc giáp chùa Bụt. Đó là một quần cư tập trung trong hai ngõ -Tức là ngõ Đình và ngõ trên. Tuy dân số hiện nay tăng nhiều, nhưng Phang Thôn là dân thuần người gốc. Khu dân cư phát triển mở rộng, chủ yếu ở hướng Tây Bắc giáp lên tới tận Bùi (làng Bùi). Phần dân cư mở rộng theo hướng Đông chủ yếu là san lấp hệ thống hào, ao trước kia. Ngày mới lập làng, cũng chỉ có 3 đến 4 hộ, số người chừng trên chục (theo ước tính), thời thuộc địa (622) cho đến thời hậu Lê, số hộ tăng trên 30 hộ, dân số đã có trên trăm người. Hiện nay Phang Thôn có 265 hộ, 1136 nhân khẩu, Phang Thôn mang tính ổn định cao, có ít dân ngoại lai. Ngoài các dòng họ lớn như: Nguyễn, Phạm còn có các dòng họ: Lê, Trần, Bùi, Đào, Ngô, Hoàng, Vũ, Trịnh, Đỗ, Đinh, Đoàn, Mai, Luyện.

    Văn hóa Phang Thôn cũng rất nhiều bản sắc. Bộc trực và thẳng thắn, đã nói là nói to, đã làm thì làm liền. Đoàn kết vốn là một truyền thống. Các vùng xung quanh khi nghe đến "Kẻ Phấng, Đồng Phang" hãy rè chừng. Vì thế mà dân trong vùng nhắc nhau: "Đừng cho Kẻ Phấng, Đồng Phang đến nhà". Sao vậy? Phang Thôn vốn nhân hòa nhưng cũng không để ai bắt nạt.

    Đó là những nét văn hóa truyền thống của một làng. Phát huy truyền thống, Phang Thôn đã có rất nhiều người tham gia các phong trào tiền khởi nghĩa như: ông Phiêu, ông Xứng, ông Dự, ông Am, ông Đam, ông Huấn, ông Dơng, ông Khuớ, ông Quế, ông Truy, ông Thơ. Sau cách mạng tháng Tám, Phang Thôn hưởng ứng tuần lễ vàng: 5 đôi nhẫn vàng (chừng 8 đến 9 chỉ), 300kg tiền đồng, một số mâm, nồi đồng.

    Nghề nông vẫn là nghề căn bản. Tuy nhiên ruộng Phang Thôn thuộc loại đồng trũng nên điều kiện canh tác cũng hết sức khó khăn. Số ruộng cao cấy lúa mùa, phần lớn còn lại là cấy vụ Chiêm, đất làm màu tập trung bên kia sông, trước kia làng đã bắc cầu tre để đi lại khu đất màu bên sông.

    Ngày nay Phang Thôn có 82,62 ha ruộng đất (không kể thầu khoán), nằm trên các xứ đồng: Đồng Giếng, Đồng Vàng, Đồng Quan, Đồng Múng, Thủy Truyền, Đồng Công, Dọc Mung, Thượng Tầng, Ba Cồn trong, Ba Cồn ngoài, Cồn Cách, Cồn Giáng, Đồng Bông, Phe Bắc, Cồn Ngang, Đồng Trấm, Đá Bạt, Bờ Lạn…Đồng Giếng có diện tích lớn, là vùng trũng nhất.

    Ông Cửu Duy đã hiến một phần tài sản cho kháng chiến được rước kiệu về Huyện.

    Thời kỳ đổi mới hôm nay Phang Thôn đang bắt nhịp vào cuộc sống cộng đồng. Một chương trình Lúa - Cá đầy tham vọng đang từng bước trở thành hiện thực. Và hôm nay, cùng với 9 thôn trong xã, Phang Thôn đang có những bước phát triển vững chắc.

    Làng Thung thượng

    Khởi thủy làng Thung Thượng tên là gì đang là câu bỏ ngỏ, không ai biết. Đến thời nhà Lê, Phù Liễn nằm trong xã Đồng Bông . Phù Liễn theo nghĩa chữ Hán là “Mang, vác, cáng, khênh”. Phù Liễn vốn là một trạm dịch nằm trê trục đường liên tổng, dưới là tổng Hải Quật, trên là tổng Trịnh Xá. Phù Liễn thuộc tổng Đông Lý, vốn là đất ngoại tổ của nhà Lê, nơi tôn thờ Thái Hậu Ngô Thị NGọc Dao cùng Hoàng đế Lê Thái Tông và tiền tổ Ngô Gia nên đây là vùng đất cấm.. Trên là Đắc Trí, dưới là Bái càn (tức thượng Đắc Trí, hạ Bái càn), nội trong địa phận trên bất kỳ là Quan lớn hay Quan nhỏ đã qua đây phải xuống ngựa. Vì thế các Quan đi Kinh Lý phải đi bộ từ Đắc Trí (tức làng Si bây giờ) xuống tận Bái càn (tức Bái Ân bây giờ). Để phục vụ các Quan, chánh cho các Quan khỏi đi bộ mà có 3 trạm dịch: Đắc Trí, Phú Liễn, Bái Càn (Phú Liễn là trạm trung chuyển). Như vậy Phú Liễn là tên trạm dịch và cứ như thế Phú Liễn là một từ khái niệm, một động từ trở thành một danh từ chỉ địa danh. Mặt trước xóm Phú Liễn là dòng sông Cầu Chày, sau xóm là đê (hiện nay vẫn còn). Từ đó ta có thể suy ra (theo tính quy nạp) Phú Liễn có tên sau khi có đê sông Cầu Chày. Chắc chắn, nếu có một bản đồ cổ đại thì không có tên địa danh Phú Liễn.

              Theo "Dư dịa chí" của Nguyễn Trãi (thời Hậu Lê) mới thấy xuất hiện địa danh Thung Thượng (tên Thung Thôn cũng xuất hiện trong thời gian này). Với vị trí địa lý, phía Bắc -Tây Bắc giáp làng Phang Thôn, Tây nam là sông Cầu Chày,  bên kia sông là làng Tố Phác, phía Nam giáp Phủ Nhì và Thung thôn phía Đông, Đông Nam giáp đê sông Cầu Chày. Ở giữa làng có một hón nước chảy từ Định Tân về.

              Theo gia phả của các dòng họ trong làng, làng Thung thượng được các bậc tiền nhân của các dòng họ: Lê, Ngô đến đây chọn đất dựng làng và sinh sống

                 Như Phang Thôn, Thung Thượng là dân gốc, ít có ngoại lai. Tính đến cuối năm 2005 Thung Thượng có 308 hộ, 1368 nhân khẩu. So với các thôn hiện nay làng Nhất có số dân đông nhất. Họ Lê khang, Lê Đức, còn có các dòng họ: Trần, Trịnh, Hoàng, Nguyễn, Đặng, Hàn, Kiều, Vũ, Trương, Ngô, Bùi, Phạm, Đỗ,.

    Người dân Thung thượng với bản chất cần cù, chịu thương, chịu khó, đã chiến thắng thiên tai và sinh cơ lập nghiệp tại làng. Bên cạnh nghề trồng lúa nước, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng được nhân dân trong làng chú trọng. Tuy nhiên, do vị trí của làng nằm dọc sông Cầu Chày, ruộng đất ở đây hầu hết là ruộng bậc thang. Và chủ yếu đất thịt, trên các cánh đồng cao, đồng vàn và đồng trũng. Trước đây, thường xuyên bị thiên tai, lũ lụt hoành hành nên mỗi năm chỉ cấy được một vụ, năng suất thấp- đời sống nhân dân vô cùng cực khổ.

    Văn hóa Thung thượng phong phú và đa dạng độc nhất trong xã; có 2 ngôi Đình và Chùa Thiên Phúc. Ngoài Đình, Chùa làng còn có Phủ thờ Đệ Nhất nữ công thần Ngọc Phương công chúa.

    Trước năm 1945, ruộng đất Thung thượng nhiều nhất trong xã. Làng có tới 300 mẫu ruộng tư điền và 40 mẫu công điền. Trong lịch sử làng. Thung thượng có nhiều vị chức sắc. Như  chức Tri Huyện Quỳnh Lưu, Cai Úc, lý trưởng…

    Người dân Thung thượng cần cù lao động sản xuất, thực hiện công cuộc đổi mới của Đảng và nhà nước nhân dân Thung thượng đã ra sức thi đua phát triển kinh tế - xã hội theo hướng công nghiệp hóa - Hiện đại hóa. Hiện nay Thung thượng có 95,73ha ruộng đất được phân bố trên các cánh đồng: Đồng Bông, Trước Mẻo, Dọc Dâu, Cồn Đình, Sau Mẻo, Đồng Bọ, Mã xém, Đồng Sắn, Cáo chết, Lò vôi, Đa trạng, Bàn bạn, Dọc cây dưới, Thô lô, Cầu Đa, Nổ Dọ, Nổ đó, Cổ cò, Lông công, Vắt, Cái mới, Bờ hón, Ngã tư cồn vịt, Dọc nổ. Hệ thống kênh mương tưới tiêu đã hoàn thiện và chủ động được nguồn nước tưới, đảm bảo cho nhân dân trong làng sản xuất, đưa các cây con có giá trị kinh tế vào sản xuất nâng cao năng suất thu nhập cho nhân dân trong làng.

    Làng Thung thôn (Làng nhì)

    Theo gia phả của dòng họ Ngô thì xưa ở đất Phú Liễn ( họ Ngô chung sống với hai dòng họ Lê -Thung Thượng). Sau khởi nghĩa Lam Sơn, xuống đất cây Thông dưới lập làng. Họ Ngô lập Thông Thôn (Thung Thôn).  Làng Nhì có sau làng Nhất?

    Thời mới lập làng (họ Ngô đi từ Thung Thượng xuống) có khoảng 13 hộ với tổng số 35 nhân khẩu. Sau này, tức là tính đến năm 1858, số hộ tăng lên là 90 hộ    với 270 người. Trước Cách mạng tháng Tám, số hộ là 151 (đây là con số "thống kê" đếm trên đầu ngõn tay của các cụ), số dân khoảng 500 ngừơi. Theo con số thống kê cuối năm 2005, Thung Thôn có 469 hộ, 1968 nhân khẩu (không kể các hộ ở rải rác các thôn trong xã). Không những dân số làng Nhì Tăng nhanh mà khu dân cư cũng ngày được mở rộng. Hiện nay có các dòng họ đang chung sống là: Ngô, Lê, Vũ, Đặng, Trịnh, Đào, Nguyễn, Đoàn, Đinh, Phạm, Hoàng, Trương, Mai, Trần, Kiều, Bùi, Lương…vv.

    Làng Nhì, theo đơn vị hành chính ngày nay chia ra Nhì I, Nhì II. Phân chia như vậy để thuận tiện trong chỉ đạo sản xuất và các sinh hoạt khác. Thực ra làng Nhì là một đơn vị hành chính có từ thời Lê Hiển Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 37, ngày 19/3 - Bính Thân (1776) ghi là Thung Thôn. Thung Thôn là một trong những làng có bề dày lịch sử về văn hóa. Từ các phong tục, tập quán đến cây cầu tre bắc qua sông, đến từng bến nước, giếng ăn, Đa đôi, Cáo một, Cồn Chuối, Cồn Ngựa, Cồn Vua, tên từng xứ đồng Long Ngai, Đại Lộng, Cồn Tam Bảo…đã gắn bó một thời với con người Thung Thôn vốn khoan hò, độ lượng và thuần phác. Những di chỉ văn hóa tầm cỡ của nhà Lê ở đất xứ Thanh tập trung nhiều ở đây: Phủ Nhì, Phủ Lê, Lăng Thái Hoàng, Phúc Quan Từ Đường…Đình làng là những dấu ấn của một nền văn hóa thời Lê.

    Nhân dân làng Thung Thôn tích cực tham gia sản xuất, xây dựng quê hương đất nước dưới sự chỉ đạo của Đảng bộ xã Định Hòa, với thế mạnh là một làng có diện tích đất canh tác lớn, làng đã sở hữu 146,3 ha đất canh tác hiện nay (chưa kể đất thầu ngân sách), trên  64 các cánh đồng: Cồn Ngựa, Cồn chuối, Cồn Mèo, Cồn Trò, Cồn Vuông, Cồn Mã Lãi, Cồn Vua, Dọc Cách, Đồng Thễn, Nổ Lủn, Đồng Tráng, Cồn Bái, Nổ Bàn, Đồng Xước, Đồng Cháy, Đồng Me Tròn, Dọc Cùng, Bồ Bồ, Cồn Mối, Đồng Mạ Mau, Nổ Họ, Dọc Mau, Nổ Bàn, Cổ Hạc, Bái Xây, Đồng Nhầm, Cổ Rồng, Nổ Trác, Khỉ Độc, Tóp, Gạo Rang, Cồn Hầm, Đầm Nổ Làng, Bờ Thiêm, Đại Long, Ông Ngai, Dưới Đồng, Dâu, Ao, Cái Mới, Dọc Xoài, Cống Đa, Cáo Giếng, Nổ Treo, Cồn Giếng Lấp, Hà Điểm, Cồn Chẩu, Nồn, Khu Tam Bảo, Hà Ông Đan, Trại Sen, Cây Đươi, Cây Cáo Đồng Đuốc, Đồng Mạt Thượng, Đồng Mạt Hạ, Lăng Thái Hoàng, Binh Kinh, Dọc Đầm, Dọc Giữa, Dọc Me, Nổ Nghè, Nhà thờ Nội, Hà Cồn Gác, Cây Cáo Còm. Riêng làng Nhì đã canh tác trên 64 cánh đồng khác nhau. Khắc phục tình trạng manh mún, ruộng đã được điều chỉnh bước đầu, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, là một làng có nền kinh tế phát triển.

    Làng Mai trung (làng mai)

    Mai Trung, xưa gọi là Mai Trang, Trang Mai, Làng Trại. Trang Mai xuất hiện từ thời Hồng Đức (khoảng 1477), khi Vua ban sắc chỉ, cho phép con cháu dòng Vũ Uy được lập 45 Trang, Ấp trong 11 huyện tại Phủ Thanh Hoá.

                Mai Trung là một làng nhỏ, diện tích chưa đầy 9 000m2, nằm kẹp giữa hai làng, với vị trí địa lý. Phía Bắc giáp làng Thung thôn, một làng lớn, có thế lực,  mặt trước làng, phía Tây giáp sông Cầu Chày; phía Đông giáp khu đất canh tác gọi là cồn Tam Bảo của làng Thung thôn. Nhìn trên bản đồ địa giới của xã, làng Mai trung là một làng nhỏ “như cái bát úp”, ít dân. Trước đây nhân dân trong làng thường nói về vị thế của làng “phía Nam giáp anh hiều ruộng (thế), phía Bắc giáp anh nhiều  của (thần). 

              Làng Me (Mai thôn và làng Mai trung hợp lại thành một làng vào thời gian nào thì đây đang là câu bỏ ngỏ, nhưng có thể là một sự sáp nhập tự nhiên. Mai thôn xưa, đinh ít mà điền nhiều, chỉ có hai dòng họ sinh sống là: Họ Lê và họ Trịnh. Nhưng xưa kia, làng Nội và làng Me được ghép lại thành giáp tứ  (thời 4 giáp 6 làng) thuộc Đồng Phang xã.

    Trước kia hai làng có 5 dòng họ chính: Lê, Trịnh, Vũ, Phạm, Nguyễn. Ngày nay, Mai Trung là cộng đồng của nhiều dòng họ từ các nơi Ba Làng (Tỉnh Gia), Tòng Tân (Thiệu Hoá), làng khác trong xã đến. Đó là các dòng họ: Ngô, Đinh, Đỗ, Đoàn, Mai, Hàn, Đặng, Lê, Trịnh, Bùi, Trần, Phùng…

    Như vậy, nguồn gốc dân cư Mai Trung là đa dạng, cũng có nghĩa là đa văn hoá. Đặc biệt trong xã riêng Mai Trung có Đạo Thiên Chúa. Tuy nhiên vẫn là một cộng đồng hoà thuận.

    - Dân số Mai Thôn: Lập làng có 3 hộ, 7 khẩu, thời lập xã (622): 4 hộ, 9 khẩu; Thời Hồng Đức: 6 hộ, 16 khẩu; Tính đến 1858: 7 hộ, 21 khẩu; Trước Cách mạng tháng Tám có 13 hộ. Tuy nhiên đó cũng chỉ là những con số ước lượng.

    Mãi đến thời Minh Mệnh (1820 - 1840), Trang Mai mới được gọi là làng Mai Trung, thuộc Đồng Phang Tổng Đông Lý. Mai Thôn có làng Hương nhưng một làng Hương không đầy đủ vì dân số ít. Nhưng Lý Trưởng, đã trải qua ba đời: Lý Khới, Lý Lan, Lý Chính. Mai Trung đã có  đồng Triện (*) và chỉ có hai đời Lý Trưởng. Đó là Lý Chấn (dòng họ Vũ) và Lý Huy (dòng họ Phạm).

    Trước mặt phí Tây làng là một bãi bồi lớn (gọi là bãi hà). Xưa vùng đất Hà rậm rạp, lũy tre, lũy mái ken dày che chắn, bảo vệ mặt trước làng. Thông xuống sông Cầu Chày là cổng Bến.

    Trước đây văn hóa làng Mai thôn rất đa dạng, phong phú với nhiều công trình văn hóa vật thể như : Đình, nghè… Đình Mai làng Mai thôn không lớn, chỉ có 3 gian thờ Thành Hoàng làng là nhân thần họ Lê, đình được xây dựng về hướng Tây, nhìn ra sông Cầu Chày, nằm sát đê sông. Hiện nay không còn nữa.

    Văn hoá Mai Trung cũng rất đặc biệt. Theo bờ tả sông Cầu Chày, ngược lên là một hệ thống kiến trúc tôn giáo: Nghè ông Tượng, Đình Mai Thôn, Nghè Cây Trôi, Đình Mai Trung, nhà thờ họ Vũ. Đình Mai Trung là một điểm nhấn, một dấu ấn kiến trúc Phương Đông:

    Hiên nay, diện tích canh tác của làng là 79,88ha, trên các cánh đồng: Đồng Me, Dọc Nổ, Bờ Độ, Dọc Cùng, Dọc Núi (Đồng Soa), Mau, Đồng Trành, Gốc Cáo, Cồn Vịt, Nổ Lăng, Bái Xoài, Bái Lăng, Bái Trại, Cồn Mun, Dọc Chờ, Nổ Bể, Tráng trên, Tráng dưới, Cồn Đồng Tráng, Đồng Quan, Cồn Đu, Cồn Đưởng, Cơm, Mới, Đồng Mạ, Đồng Đá, Sau Làng, Mẫu Dóc, Gốc Đề, Bông Me, Bông Chỉ…Bên kia sông Cầu Chày là: Hà Me, Hà Mái, Hà Cá, Dọc Bên, Dọc Giữa, Mẫu Ông Toàn, Cồn Chay. TTh]cj hiện đường lối đổi mới của Đảng, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng bộ xã Định Hòa, nhân dân trong làng luôn đi đầu trong việc áp dụng những tiến bộ khoa học - kỹ thuạt vào sản xuất, chăn nuôi, các ngành nghề dịch vụ được phát triển. Cũng từ đây đời sống vật chất tinh thần của nhân dân trong làng ngày được cải thiện không còn hộ đói, nhân dân tin và các chủ trương, đường lối của đảng, bộ mặt nông thôn ngày được khang trang và hiện đại, đáp ứng yêu cầu của nhân dân trong làng.

    Làng Nội

     Làng nội, dựa lưng vào núi Nội, chỉ cách một dong ruộng về hướng Đông - Nam, nằm liền kề vực Nội, phía tả ngạn sông Cầu Chày. Thuộc bên lở, nhưng làng Nội lại ở trên một dong đất thấp, mặt trước làng hướng Tây Nam, mặt sau làng là núi. Đầu thôn, phía trên (kể từ Mai Thôn xuống), hướng Tây Bắc, địa phận tiếp giáp với Mai Thôn là chùa Nội, cuối thôn, phía dưới hướng Nam, Tây-Nam tiếp giáp Đồng Hà.

    Nội Thôn là một làng được hình thành từ rất sớm được đứng trong 4 giáp, 6 làng đồng phang xã. Các thư tịch thời nhà Trần, có ghi địa danh là Nội Phúc Thôn. Thời Hậu Lê lại ghi là Nội Phúc Giáp.

    Khi mới thành lập làng có 3 hộ, 8 khẩu; thời lập xã có 7 hộ, 17 khẩu; dưới thời Lê có 9 hộ, 26 khẩu, đến năm 1858 có 24 hộ, 69 khẩu; trước cách mạng tháng 8 năm 1945 có 33 hộ và hơn 100 khẩu. Hiện nay làng nội có 153 hộ, 632 nhân khẩu. Cư dân làng Nội chủ yếu là dân gốc.

    Làng  nội trước kia có 3 ngõ: Ngõ trên, ngõ giữa và ngõ chính. Các ngõ được  lát đá  được nhân dân vận chuyển từ Núi Nội về. Tục truyền, làng Nội ở vào giữa bụng con chó , nên Nội Thôn trở nên giàu có.điền sản cũng có rất nhiều như gia đình ông Lê Tiến Thái có 16 mẫu ruộng, Vũ Văn Lữ có 30 mẫu, Phạm Văn Dư có 30 mẫu, Phạm Văn Đang có 8 mẫu, Vũ Văn Chính có 12 mẫu, Vũ Văn Sánh có 7 mẫu. Mới có 6 hộ đã có tới 103 mẫu ruộng. Còn bậc trung, mỗi nhà cũng có vài ba mẫu tư điền. Nếu cả công điền, Nội Thôn có trên 200 mẫu. Đồng điền chia làm hai khu: Khu bên này và khu bên kia sông Cầu Chày. Điều kiện canh tác tương đối thuận lợi, số nhà khá giả chiếm tới 55%.

    Là một làng có đời sống khá giả, ruộng đất nhiều, nhưng lại xa trung tâm thuộc vùng "lõm" của xã nên trước đây việc học của con em trong làng ít được trú trọng, mặc dù trong làng có hai người họ Trần đỗ Tiến Sĩ, thời Lê Cảnh Hưng.

    Trước cách mạng tháng Tám, Nội thôn là một vùng xa trung tâm, nên phong trào cách mạng ở đây hầu như rất trầm lắng. Hòa bình lập lại, nhân dân tích cực tham gia sản xuất, xây dựng quê hương đất nước. Hiện nay Nội Thôn được giao 43,58ha ruộng đất trên các xứ đồng gồm:  Cồn Chúa, Đồng Bung, Cán Tàm, Đá Kẽm, Bông trên, Bông dưới, Đồng Lươn, Hà Dưa, Cồn Điếm, Hậu Lạy, Văn Chỉ, Ngõ Sau, Cái Trại, Cồn Lớn, Đồng Căng, Bản Cao, Dọc Bản, Tôm Cao, Tôm Thấp, Dọc Đầm, Chuôm Lớn, Hà Mạch, Mã Tổ.  Với tiềm năng, thế mạnh của một làng có nhiều đất đai, bước vào thời kỳ thực hiện đường lối đổi mới toàn diện của Đảng, nhân dân làng Nội Thôn tích cực phát huy nội lực, khắc phục khó khăn, cùng nhau xây dựng quê hương theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn theo tiêu chí thôn Kiểu Mẫu.

    Làng Đồng Hà

    Đồng Hà trước đây gọi là Động Hà, Du Đồng, Trang Đông Hà nằm ở cuối xã về hướng Nam -Tây Nam, tiếp cận đoạn "Cổ bầu" phía Đông - Đông Nam theo hướng dòng chảy của sông Cầu Chày, mặt trước làng hướng Tây - Tây Bắc, phía sau là hướng Đông -Đông Nam, giáp với núi Tiên (Núi nội), phía Bắc giáp Nội Thôn. Địa giới làng xưa từ Thượng đá bùa đến Hạ Chí cống, mãi sau có đê sông Cầu Chày thì nhân dân mới chuyển về nơi ở hiện nay, nhưng vẫn ngoài vùng nội đê.

    Trang Đồng Hà do ông Vũ Đông Hân lập ra. Đầu thời Lê, ông được vua Lê phong tước hiệu “Đông Hân linh động chiếu hầu Thái giám - Bảo Quốc hộ dân - Thượng đẳng Thần” và một sắc phong khác là “Chiếu hầu Thái giám - Gia phong Thành hoàng”. Ông Vũ Đông Hân, Người kiến tạo ấp và cũng là Thành Hoàng làng Đồng Hà

    Đồng Hà có những tên gọi khác nhau: Động Hà, Du Đồng.

    Trang Đồng Hà trước kia do dân số ít nên chưa được công nhận là một đơn vị hành chính, vì vậy dân cư trang Đồng Hà đã sáp nhập với làng Nội. Đến thời nhà Nguyễn (Thời Minh Mệnh), các trang như Trang Đún, Trang Tố Phác, Trang Mia trung, Trang Đồng Hà mới được ghi là đơn vị hành chính và có tên là Đồng Hà.

    Dòng họ đầu tiên đến vùng đất này khai ấp lập trại là dòng họ Vũ. Đất lành chim đậu, dần dần cư dân ở các làng khác  thấy nơi đây là một vùng đất tốt, có nhiều lợi thế về đất đai nên họ đã di cư đến đây sinh sống làm ăn. Ngoài họ Vũ ra làng còn có các dòng họ khác như: Họ Bùi, Phạm, Lê, Nguyễn, Trịnh, Trần, Ngô, Đỗ, Trương, Đào, Hoàng, KHương. Nhưng nhóm dân cư đông nhất di cư đến là ở Hậu Lộc đến ngày nay chiếm tới 1/2 dân số. Dân số Đồng Hà biến động qua từng thời kỳ: Thời Lê (Hồng Đức) có 3 hộ, 9 khẩu; tính đến 1858 có 6 hộ với 18 khẩu; trước Cách mạng tháng Tám có 14 hộ, số nhân khẩu là bao nhiêu không có số thống kê chính xác, khoảng 50 người. Hiện nay có 76 hộ, 367 nhân khẩu.

    Là một làng dân ít nhưng nhiều ruộng, ruộng đất trước đây của làng có tới 40 mẫu, phần lớn là đất bãi bồi. Làm ruộng vẫn là nghề chính của nhân dân trong làng. Ngoài làm ruộng nhân dân phát triển thêm nghề chăn nuôi, đặc biệt là nuôi bò và nuôi dê trên núi.

     Hiện đất canh tác được giao là 23,23ha, trên các xứ đồng: Đá Bùa, Hạ Chí Cống, Đồng Lương, Hà Dưa, Buồm Cao, Buồm Thấp, Căng Cạn, Đồng Đún, Cồn Chúa, Lò Gạch, Cổ Ngựa, Đất Bắc, Hà Lương, Cây Quýt, Bản Cao, Bản Sâu, Hà Ngược, Cống Lươn. Cho đến nay, điều kiện canh tác Đồng Hà không mấy thuận lợi, thu nhập tính theo đầu người vẫn mức thấp.

    Mặc dù đời sống nhân dân trong làng còn thấp nhưng được sự quan tâm chỉ đạo của Đảng bộ xã Định Hòa, cơ sở hạ tầng, hệ thống  kênh mương thủy lợi, đường làng ngõ xóm ngày đã được hoàn thiện khang trang. Bằng nguồn vốn đóng góp của nhân dân và nguồn tài trợ của concjtrong làng các công trình phúc lợi được xây dựng. Đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và giao lưu phát triển kinh tế - văn hóa với các làng trong xã.

    Thực hiện: Ban biên tập trang Thông tin điện tử xã Định Hòa

    °